“Đãi cát tìm vàng” từ kết quả kinh doanh quý 2/2024, nhóm cổ phiếu nào kỳ vọng thu hút d òng tiền?

https://cafef.vn/dai-cat-tim-vang-tu-ket-qua-kinh-doanh-quy-2-2024-nhom-co-phieu-nao-ky-vong-thu-hut-dong-tien-188240625171310805.chn
26-06-2024 – 07:15 AM | Thị trường chứng khoán

"Đãi cát tìm vàng" từ kết quả kinh doanh quý 2/2024, nhóm cổ phiếu nào kỳ vọng thu hút dòng tiền?

Chuyên gia cho rằng các nhóm ngành nổi bật với lợi nhuận kỳ vọng tăng trưởng tốt có thể kể đến là Công nghệ thông tin, Tài nguyên cơ bản, Vật liệu xây dựng, Du lịch và giải trí, Bán lẻ, Viễn Thông, Thực phẩm đồ uống,…

Thị trường đang dần đi qua nửa đầu năm 2024, bức tranh quý 1 hay các kế hoạch trình trong mùa Đại hội cổ đông hầu hết đã phản ánh gần hết vào giá cổ phiếu. Hiện tại thông tin được nhiều nhà đầu tư mong ngóng nhất chính là kết quả kinh doanh quý 2 cũng như 6 tháng của các nhóm ngành, các doanh nghiệp.

Theo đánh giá của ông Bùi Văn Huy, Giám đốc CTCK DSC Chi nhánh TP. HCM, bức tranh KQKD quý 2/2024 khả năng sẽ có những diễn biến tương tự với quý 1, theo hướng tiếp tục ghi nhận đà tăng trưởng lợi nhuận theo sự phục hồi của nền kinh tế.

Ông Huy cho rằng các nhóm ngành nổi bật với lợi nhuận kỳ vọng tăng trưởng tốt có thể kể đến là Công nghệ thông tin, Tài nguyên cơ bản, Vật liệu xây dựng, Du lịch và giải trí, Bán lẻ, Viễn Thông, Thực phẩm đồ uống,… vì số liệu cho thấy đà phục hồi kinh tế vẫn tiếp tục diễn ra tích cực."Đãi cát tìm vàng" từ kết quả kinh doanh quý 2/2024, nhóm cổ phiếu nào kỳ vọng thu hút dòng tiền?- Ảnh 1.

photo-1719310162823

Tăng trưởng KQKD quý I-2024. Nguồn: Fiiinpro, DSC.

("+" là những nhóm ngành dự kiến có thể duy trì được sự tăng trưởng KQKD trong quý II-2024). Lưu ý ở đây dùng nhóm ngành cấp 2, ở câu 2 sẽ chi tiết hơn các nhóm ngành cấp 3 trong các nhóm cấp 2 này.

Theo quan sát của chuyên gia, doanh nghiệp Bất động sản hay Ngân hàng sẽ còn nhiều khó khăn trong bối cảnh tình hình thị trường bất động sản vẫn còn khá ảm đạm và phải chờ những cú hích từ các chính sách mới. Riêng với ngành ngân hàng, ông Huy cho rằng kết quả kinh doanh quý 2 dự báo sẽ có nhiều khó khăn, dưới sức ép của tăng trưởng tín dụng chậm giai đoạn nửa đầu năm 2024; biên lãi ròng từ hoạt động cho vay (NIM) bị thắt chặt khi lãi suất huy động tăng dần trong 2-3 tháng gần đây. Cùng với đó, chất lượng tài sản toàn ngành giảm, tỷ lệ nợ xấu tăng, bao phủ nợ xấu giảm.

Mặc dù tín dụng lĩnh vực bất động sản đầu năm có cải thiện nhưng đến từ việc mua sản phẩm giá rẻ, do đó con số dự kiến không ổn định và cần chờ cú hích từ luật Đất đai sửa đổi. Các ngân hàng nhỏ được cho sẽ gặp nhiều vấn đề hơn trong giai đoạn giữa năm nay, cụ thể những ngân hàng có CASA thấp chịu rủi ro thanh khoản ngắn hạn trong môi trường huy động tiền gửi gặp khó khăn, mặt khác các ngân hàng cho vay bán lẻ có thể gặp khó khi nhu cầu vay vốn từ tệp khách hàng cá nhân phục hồi chậm.

Đối với ngành thép, trong quý 1/2024, xuất khẩu sắt thép của nước ta thu về gần 2,4 tỷ USD với hơn 3,23 triệu tấn, tăng 42% về lượng và tăng 40,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Vị chuyên gia cho rằng tình hình sẽ dần khả quan hơn khi nhu cầu thép xây dựng đang dần trở lại. Một số khía cạnh có thể trông chờ gồm luật Đất đai sửa đổi được áp dụng từ tháng 8 năm nay; áp dụng chống bán phá giá với thép Trung Quốc và các thị trường tiêu thụ chính như Bắc Mỹ, Châu Âu đồng loạt vào thời kì nới lỏng chính sách tiền tệ trong nửa cuối năm, từ đó thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ từ thị trường vất động sản. Các yếu tố này đều tốt cho các doanh nghiệp như HPG, NKG, HSG.

Đối với nhóm bán lẻ, mặc dù nhu cầu tiêu thụ mảng ICT chưa có nhiều dấu hiệu hồi phục tuy nhiên các doanh nghiệp trong ngành như MWG hay FRT đều có những "vũ khí riêng biệt" của mình như Bách Hóa Xanh của MWG hay Long Châu của FRT. Từ đó, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp này dự kiến vẫn khả quan trong quý 2 đặc biệt là khi chuỗi Bách Hóa Xanh hay Long Châu đều đang khi nhận mức tăng trưởng tích cực.

Trong khi đó, đối với mảng phân bón, ông Huy cho rằng với chính sách VAT mới sẽ giúp cho lợi nhuận của các doanh nghiệp phân bón như DCM có khả năng tăng 30-50%. Ngoài yếu tố kể trên, giá Urê bình quân năm 2024 có thể sẽ cao hơn 6-8% so với cùng kỳ nhờ tình trạng thiếu khí đốt tại một số thị trường dẫn đến cắt giảm sản xuất Urê sẽ trầm trọng hơn từ cuối năm nay; cộng thêm nguồn cung Urê giảm do căng thẳng địa chính trị và trở ngại trong mở rộng sản xuất có thể kéo dài tới 2027. Điều này là những yếu tố hỗ trợ cho các doanh nghiệp phân bón nước ta.

Đối với nhóm xuất nhập khẩu và cụ thể là dệt may, triển vọng tăng trưởng trong năm nay là khá rõ ràng nhờ vào việc lượng hàng tồn kho tại các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ và EU đã suy giảm đáng kể cũng như là triển vọng về việc lạm phát tại các thị trường này đang hạ nhiệt sẽ thúc đẩy tiêu thụ mặt hàng thời trang. Điều này đã được thể hiện rõ ở số lượng đơn hàng của các doanh nghiệp dệt may nước ta đang có sự hồi phục đáng kể, đặc biệt là các doanh nghiệp dệt may lớn như TNG hay TCM đều đã đầy đơn hàng cho đến gần cuối năm. Ngoài ra với các hiệp định FTA mà VN đã ký kết với Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, ông Huy cho rằng bức tranh của mảng này trong năm nay là khá tươi sáng.

Đối với nhóm gỗ, kể từ đầu năm đến nay xuất khẩu gỗ đang tăng trưởng vượt kỳ vọng nhờ vào thị trường Mỹ đang có dấu hiệu phục hồi. 4 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 4,8 tỷ USD, tăng 23,7% so với cùng kỳ năm 2023. Sau khi tạo đáy vào cuối năm 2023, số giấy phép xây dựng được cấp tăng trưởng mạnh qua từng tháng, trong tháng 4 đạt khoảng 132.000. Ông Huy cho rằng với việc FED sẽ tiến hành cắt giảm lãi suất vào cuối năm nay, nhu cầu đối với các sản phẩm nội thất, nhu cầu chỉnh trang sửa chữa nhà cửa sẽ dần hồi phục từ đó nhu cầu tiêu thụ gỗ sẽ tăng trưởng mạnh hơn nữa, thúc đẩy tăng trưởng nhóm doanh nghiệp xuất khẩu gỗ.

Bắc Kiên

An ninh Tiền tệ

Theo An ninh Tiền tệ

Leave a comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.